
Công việc của kế toán tưởng chừng như đơn giản bởi những công việc lặp lại hàng tháng, hàng quý. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu được hằng ngày kế toán sẽ phải “đau đầu” với hàng loạt câu hỏi khó như tại sao không tải được HTKK, thuế giá trị gia tăng tính theo phương pháp nào mới đúng, thuế bảo vệ môi trường có cách tính như thế nào,… Để chia sẻ khó khăn cùng kế toán, bài viết này sẽ cung cấp cách tính thuế bảo vệ môi trường chuẩn nhất trong quá trình kê khai thuế.
Cách tính thuế bảo vệ môi trường
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 152/2011/TT-BTC, thuế bảo vệ môi trường được tính theo công thức sau:
Thuế BVMT phải nộp = Số lượng đơn vị hàng hóa tính thuế x Mức thuế tuyệt đối trên một đơn vị hàng hóa
Trong đó, số lượng đơn vị hàng hóa được xác định theo:
– Hàng hóa sản xuất trong nước: Số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng cho, khuyến mại, quảng cáo.
– Hàng hóa nhập khẩu: Số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa nhập khẩu.
– Hàng hoá là nhiên liệu hỗn hợp chứa xăng, dầu…Số lượng hàng hoá tính thuế trong kỳ là số lượng xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hoá thạch có trong số lượng nhiên liệu hỗn hợp nhập khẩu hoặc sản xuất bán ra, trao đổi, tặng cho, đưa vào tiêu dùng nội bộ được quy đổi ra đơn vị đo lường quy định tính thuế của hàng hoá tương ứng.
– Đối với túi ni lông đa lớp được sản xuất hoặc gia công từ màng nhựa đơn HDPE, LDPE, LLDPE và các loại màng nhựa khác (PP, PA,…) hoặc các chất khác như nhôm, giấy… thì thuế bảo vệ môi trường được xác định theo tỷ lệ % trọng lượng màng nhựa đơn HDPE, LDPE, LLDPE có trong túi ni lông đa lớp.
Còn mức thuế (đồng/đơn vị hàng hóa) tuyệt đối trên 1 đơn vị hàng hóa được Nhà nước ấn định cụ thể:
1. Xăng, dầu, mỡ nhờn
– Xăng trừ etanol (lít): 4.000;
– Nhiên liệu bay (lít): 3.000;
– Dầu diesel (lít): 2.000;
– Dầu hỏa (lít): 1.000;
– Dầu mazut (lít): 2.000;
– Dầu nhờn (lít): 2.000;
– Mỡ nhờn (kg): 2.000;
2. Than đá
– Than nâu (tấn): 15.000;
– Than antraxit (tấn): 30.000;
– Than mỡ (tấn): 15.000;
– Than đá khác (tấn): 15.000;
3. Dung dịch Hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC), bao gồm cả dung dịch HCFC có trong hỗn hợp chứa dung dịch HCFC (kg): 5.000;
4. Túi ni lông thuộc diện chịu thuế (kg): 50.000;
5. Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng (kg): 500;
6. Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng (kg): 1.000;
7. Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng (kg): 1.000;
8. Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế dùng (kg): 1.000.
Hướng dẫn kê khai thuế bảo vệ môi trường:
1. Đối với hàng hóa sản xuất (hoặc là bao bì thuộc loại để đóng gói sản phẩm mà người mua không sử dụng để đóng gói) bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng, cho, khuyến mại, quảng cáo thực hiện khai thuế, tính thuế và nộp thuế theo tháng.
Nếu trong tháng không phát sinh thuế bảo vệ môi trường phải nộp thì DN vẫn phải kê khai và nộp tờ khai bình thường.
2. Đối với hàng nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu ủy thác thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường thì doanh nghiệp thực hiện khai thuế, tính thuế và nộp thuế theo từng lần phát sinh (trừ trường hợp xăng dầu nhập khẩu của các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối).
Lưu trữ hóa đơn điện tử như thế nào cho đúng quy định?
Sự khác biệt khi kê khai thuế bằng hóa đơn điện tử
Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế bảo vệ môi trường
1. DN có hàng hóa sản xuất trong nước hoặc bao bì thuộc loại để đóng gói sản phẩm mà người mua không dùng để đóng gói thì nộp hồ sơ khai thuế bảo vệ môi trường với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
2. Trường hợp DN có cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với trụ sở thì nộp hồ sơ khai thuế BVMT tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất.
3. Đối với hàng nhập khẩu (trừ xăng dầu nhập khẩu của các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối) thì DN nộp hồ sơ khai thuế với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan.